(Hạt giống Đồng Tiền Vàng)
I/ Đặc tính giống:
- Cây khỏe, chống chịu bệnh héo rũ và thối nhũn.
- Thu hoạch: 75 - 80 ngày sau gieo.
- Bắp có dạng cầu dẹt, cuốn chặt, chất lượng tốt, giòn.
- Năng suất: 1.5 – 2 kg/bắp.
II/ Mật độ trồng:
Khoảng cách | Lên luống |
Hàng cách hàng | 0,6 m |
Cây cách cây | 0,4 m |
Mật độ | 4.100 – 5.000 cây/1.000m2 |
III/ Thời vụ trồng:
- Các tỉnh phía Bắc:
- Vụ sớm: gieo cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng cuối tháng 8 và tháng 9, thu hoạch vào tháng 11, tháng 12.
- Vụ chính: gieo tháng 9 – 10, trồng giữa tháng 10 đến hết tháng 11, thu hoạch vào tháng 1 – 2 năm sau.
- Vụ muộn: gieo tháng 11, trồng vào giữa tháng 12, thu hoạch vào tháng 2 – 3 năm sau.
- Tây nguyên: gieo vụ tháng 9 – 10 và vụ tháng 11
IV/ Ngâm ủ, gieo hạt:
- Chuẩn bị nước ấm 50 – 52oC:
Lấy 2 phần nước sôi (95 – 100oC) pha với 3 phần nước giếng hoặc nước máy (25 – 30oC).
- Ngâm hạt:
- Mở bao hạt giống ra cho vào nước ấm đã chuẩn bị, ngâm trong thời gian 20 phút.
- Sau đó ngâm hạt vào nước lạnh 8 – 10 tiếng trước khi gieo
- Gieo hạt:
- Gieo xong, phủ lên một lớp rạ dày 1 – 2 cm, sau đó dùng ô doa tưới đẫm nước.
- Trong 3 – 5 ngày sau gieo tưới 1 – 2 lần/ngày, khi hạt nảy mầm lên khỏi mặt đất ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cứ 2 ngày tưới 1 lần.
- Tỉa bỏ và trồng cây:
- Khi cây được 2 – 3 lá thật, tỉa bỏ cây bệnh, cây không đúng giống, để mật độ 3 – 4 cm/cây. Sau mỗi lần nhổ tỉa, kết hợp tưới thúc bằng phân chuồng ngâm ngấu pha loãng, không tưới phân đạm.
- Tiêu chuẩn cây giống tốt: Phiến lá tròn, đốt thân ngắn, mập, lùn. Cây có 5 – 6 lá thật thì nhổ trồng.
V/ Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
1. Qui trình và cách bón phân: (cho 1.000m2)
Loại phân và lượng phân tùy thuộc vào loại đất và điều kiện từng vùng, tuy nhiên chúng tôi đưa quy trình tham khảo được áp dụng rất hiệu quả cho nhiều vùng trồng như sau:
* Lượng phân:
Phân chuồng: 2 – 2,5 tấn | Super lân: 37,5 kg | Urê: 30 kg |
Vôi: 20 – 25 kg | KSO4: 30 kg | |
* Cách bón:
Lần bón | Thời gian bón | Lượng phân |
Bón lót | Lúc làm đất | 2 – 2,5 tấn phân chuồng + 37,5 kg Super lân + 20 kg Urê + 20 kg KSO4 |
Bón thúc | 15 NST | 2,5 kg Urê + 3 kg KSO4 |
30 – 35 NST | 5 kg Urê + 4 kg KSO4 |
45 – 50 NST | 2,5 kg Urê + 3 kg KSO4 |
* Lưu ý:
- Nên rải vôi cùng lúc cày bừa để tăng hiệu quả phân hóa học.
- Bón thúc lần 1: bón vào gốc cây kết hợp xới vun.
- Bón thúc lần 2 và 3: hoà với nước tưới vào gốc.
- Kết hợp làm cỏ cùng các lần bón phân để tăng hiệu quả phân bón.
2. Tưới nước
- Tuyệt đối không được dùng nguồn nước thải, nước ao tù chưa được xử lý để tưới.
- Sau khi trồng phải tưới nước ngay, ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh, sau đó 3 – 5 ngày tưới 1 lần phụ thuộc vào độ ẩm đất.
- Các đợt bón thúc đều phải kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc, tưới nước.
- Khi cây trải lá bàng có thể tưới rãnh, sau đó phải tháo nước ngay tránh ngập úng.
- Từ khi cải bắp cuốn đến khi thu hoạch, chú ý tưới ẩm đều, nếu để ruộng bị khô quá mới tưới ẩm, cải bắp có thể bị nứt vỡ, ảnh hưởng đến chất lượng. Ngừng tưới trước khi thu hoạch từ 5 đến 7 ngày.
VI/ Các loại sâu bệnh và biện pháp phòng trị:
1. Sâu hại
- Sâu tơ (Plutella xylostella)
- Là sâu gây hại nguy hiểm nhất, chúng phát sinh và gây hại liên tục từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Sâu rất nhanh quen thuốc nên phải áp dụng biện pháp luân phiên thuốc
- Trước khi trồng ra ruộng 1 – 2 ngày nên phun thuốc có hoạt chất như: Emamectin benzoate (Avermectin B1a 90% + Avermectin B1b 10%) hoặc Lufenuron (min 96%) nồng độ 0,1%.
- Trong giai đoạn sinh trưởng của cây có thể sử dụng các loại thuốc như: Thuốc sinh học (Bacillus thuringiensis, Azadirachtin, Beauveria bassiana,…); thuốc hoá học có hoạt chất (Chlorantraniliprole, Flubendiamide (min 95%), Emamectin benzoate (Avermectin B1a 90% + Avermectin B1b 10%),…) và thuốc thảo mộc có hoạt chất (Matrine, Azadirachtin, Retenone,…). Nồng độ và thời gian cách ly của từng loại thuốc áp dụng theo hướng dẫn ghi trên nhãn bao bì.
- Trồng luân canh giữa rau cải bắp với lúa nước hoặc các nhóm rau khác họ (đậu, cà). Trên cùng ruộng có thể trồng xen canh cà chua với rau họ thập tự để hạn chế gây hại của sâu tơ.
- Các loại sâu khác như: sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae), sâu khoang (Spodoptera liture), rệp (Aphis sp.), cần thường xuyên phòng trừ kết hợp với phòng trừ sâu tơ. Nếu chỉ có riêng rệp hại nặng thì dùng thuốc có các hoạt chất như: Chlorantraniliprole, Flubendiamide (min 95%), Emamectin benzoate (Avermectin B1a 90% + Avermectin B1b 10%),…
2. Bệnh hại
- Các bệnh hại chính trên cải bắp gồm: thối nhũn do vi khuẩn (Erwinia carotovora sp.), bệnh thối do nấm (Selrotinia selerotioum,) bệnh đốm lá (Cereospora sp.).
- Hạn chế bệnh bằng cách không để ruộng quá ẩm, úng kéo dài; thường xuyên làm vệ sinh, làm cỏ, thu gom các lá già… làm cho ruộng sạch, thông thoáng.
- Khi cần có thể dùng các thuốc:
- Trừ bệnh thối nhũn:Sitrus oil, Fosetyl-aluminium (min 95%), Cymoxanil 8% + Mancozeb 64%,…
- Trừ bệnh đốm lá: Mancozeb (min 85%), Coper Oxychloride 50% + Metalaxyl 8%, Fosetyl-aluminium (min 95%),…
- Khi sử dụng nồng độ, liều lượng và thời gian cách ly phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn trên nhãn bao bì của từng loại thuốc./
Kính chúc bà con bội thu với Hạt giống Đồng Tiền Vàng!